EU gửi 12 cảnh báo đối với các sản phẩm thực phẩm, nông thủy sản Việt Nam (18-02-2025)
Nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã không đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định, nghiêm ngặt, khắt khe của thị trường Liên minh châu Âu (EU), dẫn đến các sản phẩm này bị xử lý theo hình thức cảnh báo, thu hồi hoặc thậm chí tiêu hủy.
Ảnh minh họa
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã không đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU. Cụ thể, thời gian gần đây, hệ thống an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU đã liên tiếp gửi 12 cảnh báo đối với các sản phẩm thực phẩm, nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Các sản phẩm này bị xử lý theo hình thức cảnh báo, thu hồi hoặc thậm chí tiêu hủy do không đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của thị trường EU.
Một trong những nguyên nhân chính là doanh nghiệp chưa đăng ký lưu hành các sản phẩm có chứa thành phần thuộc nhóm “thực phẩm mới” theo quy định của EU. Cụ thể, Đức và Áo đã phát hiện ra các sản phẩm thịt ốc bươu chưa được EU cấp phép. Các sản phẩm này đã bị thu hồi hoặc buộc phải rút khỏi thị trường.
Cùng với đó, các doanh nghiệp khai báo các nguyên liệu trong sản phẩm không đúng với hồ sơ, đặc biệt là các nguyên liệu dễ gây dị ứng cho người tiêu dùng. Như tôm tẩm bột đông lạnh không khai báo chất gây dị ứng dẫn đến việc các sản phẩm này bị thu hồi.
Mặt khác, sử dụng phụ gia trái phép hoặc vượt mức quy định. Nghiêm trọng nhất là trường hợp sản phẩm bít tết cá ngừ, khi phát hiện dư lượng acid ascorbic (E300) đạt 513mg/kg, vượt quá mức tối đa cho phép là 300mg/kg.
Ngoài ra, doanh nghiệp không khai báo hoặc thực hiện việc kiểm dịch thú y tại cửa khẩu đối với sản phẩm hỗn hợp có thành phần nguyên liệu từ động vật.
Để hạn chế những vi phạm này, Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang EU cần tìm hiểu kỹ các quy định liên quan. Nắm vững quy định (EU) 2015/2283 và danh sách thực phẩm mới được cấp phép theo quy định (EU) 2018/1023.
Đồng thời ghi nhãn cảnh báo dị ứng và sử dụng phụ gia. Tuân thủ quy định tại Điều 21 của (EU) 1169/2011 và chỉ sử dụng các phụ gia nằm trong danh sách cho phép theo phụ lục II của (EC) 1333/2008. Quy định (EU) 2022/2292 ngày 06/9/2022 bổ sung Quy định (EU) 2019/625, các sản phẩm thực phẩm hỗn hợp có chứa thành phần có nguồn gốc từ động vật thì thành phần nguyên liệu từ động vật phải nằm trong danh sách các doanh nghiệp (quốc gia được phê duyệt) được phép xuất khẩu sản phẩm động vật vào EU.
Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Hiệp hội ngành Bia – Rượu – Nước giải khát, Cà phê – Ca cao, Nước mắm truyền thống và Điều Việt Nam có biện pháp cụ thể nhằm khuyến nghị đến doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý yêu cầu nghiên cứu kỹ quy định của thị trường trước khi xuất khẩu, tránh rủi ro cho doanh nghiệp. Việc nắm bắt đúng đắn các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm không chỉ giúp bảo vệ người tiêu dùng mà còn giữ vững uy tín và vị thế của sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế.
Thanh Thủy